Nghệ thuật tạc tượng Đền thờ Vua Lê Đại Hành

Đền Vua Lê Đại Hành dựng trên nền cũ của cung điện thuộc cố đô Hoa Lư, kiến trúc cơ bản thuộc phong cách cuối thế kỷ XVII, đến thời Nguyễn có sự tu sửa lớn - nhất là xây dựng thêm nửa phía ngoài. Trong cung cấm của đền có ba pho tượng: Hoàng đế Lê Đại Hành ở gian giữa ngồi ngai, hoàng hậu Dương Vân Nga ở gian bên trái và vua Lê Long Đĩnh ở gian bên phải. Theo lý giải của người xưa, Dương Vân Nga là cánh tay phải của vua, là người góp công đưa ông lên ngôi hoàng đế song vì lòng vẫn hướng về đền thờ người chồng cũ Đinh Tiên Hoàng nên người xưa bố trí tượng bà ngồi ở hông bên trái. Hai pho tượng ở hai gian bên xoay ngang để cùng nhìn vào gian giữa, tạo sự tập trung tăng vẻ tôn nghiêm cho nhân vật chính Lê Đại Hành.

Mới quan sát, cả ba pho tượng này đều có dáng dấp thời Nguyễn vì nước sơn mới và những hoa văn trang trí rồng - mây - hoa - lá vừa quen thuộc ở thời Nguyễn vừa làm theo kỹ thuật uốn dán vào. Để ý kỹ hơn lại thấy có một số nét của cuối thế kỷ XVII sang thế kỷ XVIII hoa cúc trên mũ bà Dương Vân Nga rực rỡ mà gọn đẹp, hài của các tượng đều chạm mảng lớn với đầu rồng đơn giản. Tuy nhiên trên tổng quan cả ba tượng này có nhiều nét riêng tiếp nhận từ tượng thời Mạc để rồi phát triển vào những năm đầu thế kỷ XVII. Như vậy ở ba pho tượng này có ba lớp văn hóa chồng nhau, do các thời sau tu sửa đã đắp thêm vào, chồng phủ ra ngoài.

Dáng chung của cả ba pho tượng này là thế ngồi hơi dướn lên, cẳng chân trên đến đùi quá ngắn như thể từ một khối gỗ liền bị hạn chế chiều dày, gợi lại những tượng đá và nhất là phù điêu đá nổi cao ở thời Mạc, do đó người ngồi ngai hay bục cứ như bị toài xuống. Hai cánh tay dưới cũng bị thu ngắn để bàn tay úp đúng trên đùi. Tượng Hoàng đế Lê Đại Hành đội mũ bình thiên tuy thời sau thêm nhiều, song phía trước mũ còn chạm nổi chữ Vương to theo như mũ tượng các đức vua Mạc thế kỷ trước. Tóc của Lê Đại HànhLê Long Đĩnh không làm thành mảng tam giác chảy xuống bệ như các tượng thời Nguyễn, mà đều cắt ngắn đến gáy, còn tóc bà Dương Vân Nga được tết một dải chảy sau tai xuống vai rồi chia ra túm về bả vai đằng trước túm ra sau lưng, giống như các tượng Quan Âm thời Mạc và chuẩn bị cho tượng giữa thế kỷ XVII. Điều đặc biệt lý thú là ở tượng Lê Ngọa Triều có bối tử ở sau lưng không bị sơn phủ lớp trang trí mới nên trong đồ án ô vuông còn rất rõ con rồng chạm đơn giản, rất giống với hình rồng trên hai tấm bia Hoằng Định nói trên, các tượng này đều ở thế ngồi tự tin, nghiêm chỉnh mà thoải mái, dáng toàn thân cân đối là sự chuẩn bị cho tượng khoảng giữa thế kỷ XVII. Khuôn mặt hoàng đế Lê Đại Hành phương phi, đầy đặn, sáng láng. Khuôn mặt Dương Vân Nga trông rất hiền thục và mang nét chân dung riêng, khuôn trăng đầy đặn, phúc hậu. Đây là những tượng đẹp mở đầu cho loạt tượng chân dung thời Lê trung hưng.